“Không Xong” cũng phải “Xong”

Suy ngẫm Cho Xong

   Đang mải mê với cuốn sách đang đọc dở trên xe bus, bất giác bị giật mình bởi nghe hai giọng oanh vàng mới lên xe ở phía sau, và dù muốn hay không tôi cũng đã trở thành kẻ nghe trộm bất đắc dĩ vì dù muốn hay không thì tôi vẫn là người Việt, và hai nàng cũng đang trò chuyện với nhau bằng một thứ tiếng Việt rất to ở ngay sau lưng:

– “Mày sướng nhé, tốt nghiệp rồi, tha hồ ăn chơi nhảy múa..”
– “Uh, tao cũng mong học nhanh nhanh CHO XONG rồi còn lo chuyện khác…”
– “Chứ còn gì nữa, học XONG rồi còn về nước lấy chồng đi CHO XONG chuyện…”

   Tự nhiên nghe xong một câu chuyện bình thường đến vậy, tôi tự nhiên lại thấy có những điều chẳng thế nào mà XONG được…

   Khi còn bé, có khi nào bạn bị mẹ giục: “Con, ăn nhanh nhanh lên cho xong.” CHO XONG có lẽ là một nét văn hóa đặc trưng mà có lẽ chỉ tìm thấy ở người Việt.

   Thế đấy, từ tấm bé, cái tư tưởng “cho xong” đã bao vây xung quanh mỗi chúng ta ngay trong bữa cơm gia đình. Lớn lớn thêm một chút, chúng ta mới thực sự bị đẩy vào hành trình CHO XONG.

Học hết cấp 1 là phải lên cấp 2, không lên được “không xong”, bằng mọi cách phải “xong”.
Con gái đến 24-25, chưa lấy chồng là “không xong”, bằng mọi giá phải “xong”.
Bố mẹ làm bác sỹ, con mà làm “họa sỹ” có khi là “không xong”, bằng mọi đe nẹt, o ép phải “xong”
Người ta đi xe hơi, mình mà đi xe đạp chắc chắn là “không xong”, bằng mọi con đường phải “xong” giấc mơ ô tô.

   Cứ thế, cứ thế từng người từng người đến phút cuối chợt nhận ra, “Ơ, thế là xong một kiếp người rồi ah? Mình đã sống xong đâu, thôi thì…chết cho xong vậy”.

   Vậy đấy, cái “cho xong” của người Việt hoàn toàn không phải là khát khao hoàn thành mọi sự cho nhanh chóng, để tiết kiệm thời gian, nâng hiệu suất cuộc sống mà là “cho xong” cái vòng luẩn quẩn áp đặt cực kỳ ngớ ngẩn của xã hội mà chúng ta cứ tưởng rằng mình là chủ. Đó là một cái “xong” – sự cầu toàn ảo tưởng mà cả xã hội mộng du đang đi theo mà không bao giờ thắc mắc, “xong” là những cái deadline của những chuẩn mực mà người ta coi là hạnh phúc. Chúng ta bằng mọi cách để “xong” trong một xã hội tưởng chừng như rất vội vã nhưng hóa ra lại đứng yên và thậm chí còn đi lùi. Người nối người, hết cái xong này đến cái xong khác, để rồi giật mình nhìn lại ta thấy bộn bề xung quanh cuộc sống là chất đống những cái “không xong” mà không sao giải quyết nổi.

   Ở một đất nước, mà học sinh học nhanh cho xong, công nhân làm việc nhanh cho xong, cầu đường thi công nhanh cho xong, giáo viên dạy nhanh cho xong, bác sỹ khám nhanh cho xong, công chức đến làm cho xong, án điều tra cho xong, tòa xử nhanh cho xong…, thì ước mơ về một quốc gia văn minh, công bằng, và hạnh phúc đến bao giờ mới xong?

   Và nếu như tôi được quyền thay đổi – lựa chọn, tôi chắc sẽ không chọn con đường “CHO XONG” mà sẽ chọn “CHO TỬ TẾ” vì cuộc sống của chúng ta đang thiếu thốn vô cùng những con người “TỬ TẾ” vì một đất nước “TỬ TẾ”.

Còn bạn, bạn chọn gì “CHO XONG” hay “CHO TỬ TẾ”???
Hãy làm chủ xã hội bằng cách làm chủ cuộc đời mình.
Hãy “xong” theo cách của bạn.

P.S.
   Đừng chỉ Like hay Reblog “cho xong”, hãy dành một phút suy nghĩ “cho thật tử tế” những người bạn của tôi. ^.^

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Send this to a friend