Người Thái thật bất hạnh, đất nước Thái quá bèo

Thái Lan

   Tôi không biết các đất nước khác như thế nào, nhưng xin cam đoan rằng so với thiên đường Xã nghĩa Việt Nam hạnh phúc thứ 2 thế giới thì đất nước Thái Lan của bọn tư bản giẫy chết rặt là bất hạnh, bất hạnh và bất hạnh.

An ninh quá kém

   Thủ tục nhập cảnh vào Thái Lan rất là sơ sài. Nếu như Hải quan Việt Nam lúc nào cũng giữ bộ mặt lạnh lùng, phớt đời và rất nguy hiểm, không bao giờ cười với người làm thủ tục xuất/nhập cảnh (thậm chí là với cả đồng bào của mình), hạch sách đủ thứ… thì hải quan Thái lại rất dễ chịu, luôn tươi cười và nói cảm ơn không ngừng nghỉ, đã vậy họ còn biết tiếng Việt và chỉ dẫn cho tôi rất tận tình khi điền tờ khai dành cho khách du lịch. Thế này khác nào mời gọi bọn tội phạm và khủng bố hãy đến mà quậy tưng cái đất nước này lên?

Cảnh sát giao thông không biết tăng ca

   Mặc dù Việt Nam là nước có tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông vô đối thế giới (Nghe đâu 32 người/ngày) nhưng tôi vẫn rất yên tâm mỗi khi ra đường vì ai cũng biết ở nước ta CSGT nhiều hơn người dân, đôi khi một cái gốc cây có 5 đồng chí núp. Thế mà lạ chưa, ở một đất nước chủ yếu đi ô tô như Thái thì chẳng mấy khi thấy bóng dáng cảnh sát. Họ chỉ xuất hiện khi cần phân làn vào giờ cao điểm. Tôi dám cá là CSGT ở nước này không đủ IQ để nghĩ ra mấy hình phạt phong phú như xe chính chủ, mũ bảo hiểm kém chất lượng, không mặc áo lót… trong khi ở Bangkok cây xanh được trồng rất nhiều, mỗi cái cây đủ cho 10 đồng chí trèo lên.

   Thiên thời địa lợi nhân hòa như vậy mà không biết tận dụng thì rõ là ngu chứ còn gì nữa. Còn nữa, các đồng chí CS ở nước mình ra đường có mặc thường phục cũng nhận ra ngay vì mặt mũi lúc nào cũng hằm hằm, đi tất màu xanh lá mạ, khiến tội phạm sợ hãi mà phải bốc đầu xe bỏ chạy. Ở Thái, cảnh sát thậm chí còn nhường ghế cho khách du lịch trong lúc chờ xe taxi, thế thì tội phạm nào nó sợ.

Không có những quyền cơ bản

   Không như Việt Nam, bấm còi là một quyền cơ bản của công dân, dường như mỗi chiếc xe hơi ở Thái đều bị tháo mất còi trước khi bán ra cho người dân. Cả một con phố hàng trăm cái ô tô nối đuôi nhau mà cấm có nghe thấy tiếng còi xe bao giờ. Họ cứ từ tốn đi, thấy người qua đường thì dừng lại chờ người ta đi qua, chẳng dám thò mặt ra ngoài mà chửi ĐMM đi nhanh lên như ở Việt Nam… Một lũ hèn!

Không biết đốt vía, sợ khách

   Dù là khu chợ bình Chatuchak hay hoành tráng như Siam Paragon đều khiến tôi thất vọng vì không thể gây sự với bất cứ một người bán hàng nào. Cho dù bạn có mặc cả giảm đến 90% món hàng họ vẫn không chửi bới hay đốt vía bạn, trái lại họ còn cảm ơn bạn đã ghé xem hàng nữa. Buôn bán thế này thì sập tiệm sớm con ạ, đúng là cái lũ giẫy chết.

Lũ sợ bẩn

   Dân Thái dường như rất sợ bẩn nên đồ ăn vỉa hè của họ nhìn rất sạch sẽ, phải bọc từng miếng dứa, miếng xúc xích trong túi nylon và cấm có thấy con ruồi nào. Đường phố ở Thái sạch đến mức nhàm chán, và thú thật là tôi rất mệt mỏi với việc phải cầm mấy cái khăn giấy ném vào thùng rác.

   Việt Nam đúng là thiên đường, ăn xong là vứt giấy ngay xuống chân, đồ ăn thì ê hề phơi nắng gió cả ngày không cần mất công tháo nylon, lại còn thơm ngon cả tháng trời không hỏng. Tôi quá mệt mỏi vì cái lũ yếu đuối nhược tiểu hàng xóm rồi.

Bị chính phủ bóc lột

Không như người Việt Nam có thể uống café và đọc báo chán chê rồi mới tới cơ quan với lý do tắc đường, dân Thái hàng ngày phải trèo hàng chục bậc cầu thang, rồi phải xếp hàng ngay ngắn mua vé tàu cao tốc trên cao. Khốn nỗi con tàu đó chạy quá nhanh nên hầu như họ không phải chờ đợi quá 30s và đi từ đầu này sang đầu kia Bangkok mất chưa đến 5 phút, thế là bái bai lý do tắc đường nhé.

Tiếp mãi những khách du lịch cũ

Việt Nam luôn tự hào với thành tích “làm mới lượt khách du lịch đến nước mình” bởi khả năng dọa cho khách sợ không bao giờ dám quay lại lần nữa. Trong khi đó, ngành du lịch Thái Lan quá yếu kém, quản lý không tốt khiến khách du lịch đến một lần rồi cứ muốn quay lại mãi, đâm ra chẳng bao giờ có sự tươi mới như ở Việt Nam. Sống như thế không thấy nhàm chán à?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Send this to a friend