Tiền là “money”, ai học tiếng Anh cũng biết vậy, nhưng “tiền chùa”, tiền thách cưới hay tiền phạt vi phạm giao thông sẽ được nói thế nào?
Tiền mặt tiếng Anh là “cash”, bao gồm tiền giấy “paper money” và tiền xu “coin”. “Tiền giấy” ở các quốc gia khác nhau có thể có tên gọi khác nhau như “notes” (Anh) và “bill” (Mỹ). Ví dụ, tờ $10 gọi là “a $10 bill”.
Hồi được học bổng ở Mỹ, tôi nhận được ba khoản chính là “tuition fee”, “airfare” và “allowance”. Đây cũng là 3 loại “tiền” khác nhau, gọi là: học phí, vé máy bay, và tiền ăn ở hàng tháng.
Trong kinh tế học, tiền của các nước gọi là “currency” (dịch tiếng Việt là “tiền tệ”). Tiền dùng để “đẻ ra tiền” gọi là tư bản – “capital”. Tư bản này tạo ra tiền lãi, có tên gọi riêng là “yield”. Còn khi tiền được mang đi đầu tư, nó có cái tên mỹ miều là “investment”, lợi nhuận từ đầu tư thì người ta gọi là “return”. Dân kinh tế học về tỷ suất đầu tư ROI – viết tắt của “return on investment”. Số tiền tuyệt đối mà người kinh doanh thu về sau khi trừ vốn (capital) thì gọi là “profits” – lợi nhuận.
Nói đến đầu tư, người ta thường nghĩ đến tiền của một doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, gọi là “FDI” – Foreign Direct Investment (vốn đầu tư nước ngoài). Ngoài ra, các nước phát triển có thể hỗ trợ nước đang phát triển “tiền” để phát triển, tiền này gọi là “ODA” – Official Development Assistance (Vốn hỗ trợ phát triển chính thức). Nếu một chính phủ hỗ trợ cho ngành nghề cần ưu tiên, ví dụ trợ cấp nông nghiệp, tiền trợ cấp này gọi là “subsidy”.
Tiền ảo, hay tiền điện tử được gọi là “cryptocurrency”, gọi tắt là “crypto”. Và từ “tài chính” – “finance” thật ra cũng có nghĩa là tiền. Cụm “have a good finance” có nghĩa là tài chính ổn định.
Tiền có được khi mình đi vay ngân hàng thì gọi là “loan” (phát âm là /loʊn/). Nhưng khi vay nợ người thân thì nó là “debt”. Còn khi bạn có tiền gửi ngân hàng, tiền đó gọi là “bank deposit” – tiền gửi ngân hàng. Tiền lãi bạn nhận được thì gọi là “interest” – từ này có 2 âm tiết /ˈɪn- trɪst/, nghe hơi giống “in-tris”.
Khi bạn đi làm, số tiền bạn kiếm được gọi là “income” (thu nhập). Tiền lương nhận theo tháng được gọi là “salary” (hoặc monthly income), còn lương theo tuần là “wage” (hoặc weekly income). Khi kiếm được nhiều tiền, bạn phải trả thuế, tiền này gọi là “tax”. Và khi về già, bạn nhận được tiền lương hưu, gọi là “pension”.
Tiền dùng để hỗ trợ ai đó khó khăn thì gọi là “aid”. Còn khi bạn dùng tiền cho từ thiện (charity) thì tiền đó gọi là “donation”. Ngày tết hay ngày rằm, bạn đi chùa và muốn “cúng dường” thì tiền đó gọi là “offering”.
Khi đi đám cưới, bạn có thể mừng phong bì. Tiền mừng cưới tiếng Anh là “wedding monetary gift” (vì bản chất nó là món quà cưới), hoặc đơn giản là “a wedding gift”. Nếu “lười”, bạn có thể nói “wedding money”, nhưng nghe mất hẳn lãng mạn đi.
Ở một số vùng, chú rể phải mang đến nhà cô dâu một khoản tiền trước khi cưới, gọi là “tiền thách cưới” – tiếng Anh là “dowry”.
Còn tiền phúng viếng thì không dùng từ “funeral money” (tiền đám ma), mà có một từ chính xác hơn nhiều là “condolence money” – “tiền chia buồn”. Còn nếu bạn vi phạm luật giao thông và bị phạt thì tiền đó gọi là “fine”. Khi bọn bắt cóc đòi tiền chuộc, tiền chuộc gọi là “ransom”.
Tiền để mua một đơn vị hàng hóa, dịch vụ thì gọi là “price”. Tiền bạn được giảm khi mua hàng gọi là “discount”. Nếu bạn mua hàng xong, người bán hoàn lại tiền mặt cho bạn, tiền mặt đó được gọi là “rebate”. Khi mua đất, mùa nhà, mua xe, nếu bạn trả tiền một cục thì gọi là “lump sum”, còn nếu trả thành nhiều lần thì tiền đó gọi là “installments”. Nhưng nếu bạn ưng rồi mà chưa ký hợp đồng, sau đó đổi ý và có thể mất tiền đặt cọc, tiền này gọi là “deposit”.
Ở Việt Nam, một số người hay nhắc tới “tiền chùa”. Từ này có tiếng lóng (slang) tương ứng trong tiếng Anh là “OPM” – viết tắt của “Other People’s Money” – tiền của người khác.