Tâm lý học hiện đại định nghĩa: “Đam mê là một tình cảm mãnh liệt, hướng chủ thể tới một đối tượng duy nhất và làm khô héo những tình cảm khác”. Chắc hẳn Kim Dung đã nghiên cứu, thẩm thấu, nhập tâm định nghĩa này.
Và rõ ràng, trong tác phẩm văn học của ông, tính cách đặc thù của những nhân vật đam mê tình yêu hiện ra lồ lộ. Tôi gọi những nhân vật ấy là những ông thần si tình. Họ là những “ông thần” bởi cách thể hiện trạng thái si tình của họ vượt xa các trạng thái si tình của người thường, vượt xa những nhân vật trong tiểu thuyết tình cảm kim cổ. Đối với họ, si tình trở thành một tôn giáo và đối tượng trở thành giáo chủ.
Có thể đề cập đến Đoàn Dự (Thiên Long bát bộ), vương tử nước Đại Lý, thấm nhuần Nho học và Phật học, như là biểu tượng thượng thừa si tình. Rời Vân Nam, chàng trai này phiêu bạt đến Cung Kiếm hồ, núi Vô Lượng.
Tại đây, chàng gặp hoạn nạn, phải trốn xuống hồ, lại bị thác nước cuốn vào trong một thạch thất (nhà đá). Nhìn thất một pho tượng tạc hình một thiếu nữ, Đoàn Dự đã há miệng, líu lưỡi, say mê ngay. Lạ lùng là những rung động đầu đời, tiếng sét ái tình đầu đời của Đoàn Dự không dành cho một thiếu nữ bằng xương bằng thịt mà lại dành cho một pho tượng.
Đoàn Dự đã gọi pho tượng ngọc bằng “Thần tiên nương tử” (cô gái thần tiên) và đối với pho tượng, anh chàng si tình này ngàn lần lễ phép, kính ngưỡng. Chẳng vậy mà dù trong thạch thất có hàng chữ “giải y nãi kiến” (cứ cởi áo ra là thấy ngay), Đoàn Dự vẫn không dám cởi chiếc áo gấm của pho tượng.
Chàng trai chăm chỉ cúi đầu lạy pho tượng ngọc và càng lạy thì chiếc chiếu dưới chân càng chuyển động, để lộ ra một “cơ quan”: 3 mũi tên đồng xanh. Ý nghĩa của 3 mũi tên này là nếu ai bộp chộp, sàm sỡ cởi áo pho tượng ngọc thì sẽ đạp trúng cơ quan, 3 mũi tên đồng sẽ giết chết người ấy ngay trước khi người ấy kịp hiểu ra những võ công bí ẩn trong thạch thất.
Đoàn Dự không tiết mạn pho tượng, không ham võ công, chỉ say mê nhan sắc của pho tượng nên đã vượt qua được cái bẫy chết người ấy. Chàng trai chỉ học trong thạch thất một môn công phu để… chạy trốn kẻ địch. Đó là môn Lăng Ba vi bộ, mô phỏng bước chân nhẹ nhàng, thanh thoát của nàng tiên Lăng Ba trong thần thoại Trung Quốc. Quả nhiên về sau, nhờ có Lăng Ba vi bộ, Đoàn Dự thoát được nhiều tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Cho hay, si tình cũng được việc.
Về sau này, Đoàn Dự say mê Vương Ngữ Yên vì tìm thấy ở Vương Ngữ Yên những đường nét dịu dàng của “Thần tiên nương tử”. Tất nhiên Vương Ngữ Yên đánh giá Đoàn Dự như một anh chàng si ngốc; cô chỉ yêu biểu ca Mộ Dung Phục của cô.
Nhưng cô đi đến đâu, Đoàn Dự vẫn lẽo đẽo đi theo. Thậm chí giữa rừng đao núi kiếm của quân Tây Hạ, Đoàn Dự cũng mò đến để dặn cô: “Vương cô nương, nếu có việc nguy nan, xin cho tiểu sinh cõng cô nương chạy trốn nhé”. Ấy là Đoàn Dự cậy vào môn công phu Lăng Ba vi bộ ảo diệu của mình.
Rồi cuối cùng tình cảm chân thành của ông thần si tình Đoàn Dự cũng được Vương Ngữ Yên đến đáp. Chẳng những lấy được Vương Ngữ Yên, Đoàn Dự còn lấy Mộc Uyển Thanh, Chung Linh. Ấy bởi vì Đoàn Dự lên ngôi hoàng đế nước Đại Lý, mà hoàng đế thì có quyền có đến… tam cung lục viện!
Thiên Long bát bộ cũng có một nhân vật si tình thượng thừa là Du Thản Chi. Du Thản Chi là con trai của Du Ký, cháu của Du Câu ở Tụ Hiền trang, Giang Nam. Sau khi cha và bác bị giết, Du Thản Chi phiêu bạt giang hồ, bị quân Khiết Đan bắt được đưa qua biên giới làm “chiến lợi phẩm”. Du Thản Chi căm thù Kiều Phong đến tận xương tuỷ vì Kiều Phong giết cha và bác của hắn nhưng hắn lại say mê A Tử, em vợ Kiều Phong ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tâm trạng của Du Thản Chi khi gặp A Tử được miêu tả là “tim đập, chân run, nói không ra lời”.
A Tử, cô gái mới 16 tuổi, đối xử với tù binh là Du Thản Chi 17 tuổi bằng những thủ đoạn cực kỳ tàn độc. Ngay ngày đầu tiên mang Du Thản Chi về, cô đã cho gã đi “diều giấy”: sai quân Khiết Đan cưỡi ngựa ném gã lên không gian rồi cứ vậy mà “phóng” gã, không cho gã rơi xuống đất để làm vui cho cô. Cô lại cho quân dong gã vào dây rồi phóng ngựa chạy cho thân thể gã bầm dập đau đớn như ngàn côn đánh đập, như muôn trượng lửa hồng.
Ấy vậy mà khi tỉnh lại, gã vẫn quỳ xuống hôn bàn chân của cô, liếm láp từng ngón chân cô để bày tỏ lòng tôn kính. Nhìn một cách nào đó thì Du Thản Chi là một biểu tượng của trạng thái khổ dâm.
Du Thản Chi không chết. Một ông thần si tình thì làm sao chết được? Kim Dung quả thật bất công khi kéo dài những đau đớn trong đời Du Thản Chi. A Tử sai thợ rèn khéo tay làm một mặt nạ sắt, nướng đỏ ráp lên đầu Du Thản Chi biến gã thành tên Thiết Sửu (thằng hề bằng sắt). Để thử nghiệm “công trình” của mình, cô buộc gã phải đút đầu vào miệng sư tử cho sư tử cắn xem chơi. Cũng nhờ cái mặt nạ sắt ấy mà Tiêu Phong không nhìn ra được Du Thản Chi, còn Du Thản Chi thì thoải mái nhìn Tiêu Phong với ánh mắt rực lửa căm hờn bởi Tiêu Phong đã từng là kẻ thù giết cha, giết bác của gã và gã biết A Tử rất mê Tiêu Phong.
Du Thản Chi si tình A Tử đến nỗi gã sẵn sàng chết vì A Tử. Gã tình nguyện cho con Hàn tầm trên núi Tuyết Sơn hút máu để A Tử luyện công. Gã xông pha cứu A Tử, chống lại thầy mình là Đinh Xuân Thu để chịu làm kẻ bất trung, bất nghĩa. Khi A Tử đui hai mắt, gã mượn được lưỡi thủy thủ chém sắt như chém bùn để tự tháo cái lồng sắt trên đầu mình ra, trở thành một người mặt quỷ, xưng là Trang Tụ Hiền, đi theo bao bọc A Tử. Gã tình nguyện hiến đôi mắt của mình cho “thầy thuốc” Hư Trúc đem ráp vào hố mắt A Tử để A Tử sáng trở lại còn gã cam chịu phận đui mù. Gã say mê A Tử chỉ để mà si mê, không vì một lý do nào khác, kể cả lý do tình dục. Cuối cùng, khi Tiêu Phong chết, A Tử móc đôi mắt trả lại cho Du Thản Chi rồi bồng Tiêu Phong rớt xuống thung lũng sâu ngoài Nhạn Môn Quan. Và gã cũng đi theo…
Cho nên nếu goi Đoàn Dự là phó tiến sĩ si tình thì phải phong cho Du Thản Chi là tiến sĩ si tình mặc dù không có một đại học nào cấp bằng cho các tay si tình dại gái.
Tôi có thể kể ra hai viên cử nhân si tình khác trong Lộc Đỉnh ký. Nhân vật đầu tiên là Vi Tiểu Bảo, khi mới gặp A Kha, hắn đã thề một câu rất kì quái rằng nếu hắn không chiếm được cô thì mười tám đời tổ tiên nhà hắn là quân rùa đen hết ráo. Chẳng những hắn si tình cô con gái mà hắn si tình luôn…bà mẹ vợ, danh kỹ Trần Viên Viên, trên 40 tuổi, đã đi tu. Vi Tiểu Bảo được cái nói thẳng nói thật, dẫu lời nói có sống sượng, thô lỗ, tục tằn. Ấy vậy mà đàn bà con gái Trung Quốc (trong Lộc Đỉnh ký thôi nhé) mê hắn muốn chết. Thái độ si tình của hắn khá thực tế: mê ai là để ngủ cho được với người ấy, không ngủ được thì dù là Tây Thi tái thế, Bao Tự hồi sinh hắn cũng không thèm.
Lại có một viên cử nhân si tình khác là Mỹ đao vương Hồ Dật Chi. Lão này 60 tuổi, tướng mạo cực đẹp, si tình Trần Viên Viên, vứt cây đao đi để tự nguyện làm đầy tớ bửa củi, xách nước phục vụ cho Trần Viên Viên khi cô này đi tu. Lão rình nghe Viên Viên hát Viên Viên khúc, mấy chục năm chỉ lọt tai được tám chín câu. Chỉ như vậy, lão đã cho mình là người đại hạnh phúc.
Khi kết bạn với Vi Tiểu Bảo, nghe họ Vi nói chuyện si tình thực dụng, lão phê phán ngay. Chủ nghĩa si tình của lão là chủ nghĩa si tình thánh hoá, lý tưởng hoá; si tình ai là phải mong người đó được hạnh phúc, vui vẻ, kể cả giúp cho người mình si tình đi lấy chồng (không phải là mình). Chính vì quan điểm si tình khác nhau mà một già một trẻ cãi nhau ỏm tỏi, càng cãi càng đi vào chỗ mơ hồ, sai lạc.
Nghe đồn Kim Dung cũng là một ông trùm si tình trong cuộc sống và hình bóng ông tôn thờ là cô đào Hạ Mộng. Hạ Mộng còn sống đến bây giờ e đã bảy mươi tuổi có dư. Nhưng tuổi tác có ra quái gì so với tiến sĩ si tình Kim Dung. Có lẽ vì vậy mà ông đã xây dựng nên các “bậc thầy” Đoàn Dự, Du Thản Chi, Vi Tiểu Bảo, Hồ Dật Chi. Những đau đớn của họ, nếu có cũng chỉ là đau đớn tình thần nhiều hơn là thể xác.
Và có lẽ Kim Dung thể hiện sự đau đớn ấy trong văn chương cũng là cách tự giải toả cho mình. Nếu không giải toả được, không chừng sẽ phát khùng phát điên lên mất.