Phân loại và cách chọn loại hosting phù hợp với bạn

Hosting

   Bên cạnh việc tìm mua và chọn cho mình một tên miền phù hợp thì việc tìm và chọn cho mình một dịch vụ cung cấp hosting hay gói hosting phù hợp cũng là một công việc gây không ít phiền não.

   Trên thị trường cung cấp dịch vụ hosting hiện này có rất nhiều công ty cung cấp và cũng có rất nhiều gói dịch vụ từ miễn phí đến trả phí có thể làm cho những bạn mới tập làm web bối rối không biết nên chọn gói hosting nào phù hợp với mình.

   Trong bài viết này mình sẽ phân loại và giải thích sơ về từng loại hosting phổ biến trên thị trường hiện nay cũng như ưu và khuyết điểm của chúng để cho các bạn dễ lựa chọn hơn.

Hiện trên thị trường có 5 loại hosting phố biến là:

  1. Shared Server Hosting
  2. Virtual Private Server (VPS) Hosting
  3. Dedicated Server Hosting
  4. Cloud Web Hosting
  5. Managed WordPress Hosting

   Bên cạnh 5 loại hosting phổ biến trên còn một vài loại gói hosting khác không phổ biến lắm mình sẽ đề cập ở cuối bài viết sau. Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về từng loại hosting được kể trên.

1. Shared Server Hosting (hay còn gọi là Share Hosting)

   Share Hosting là loại hosting phổ biến và có chi phí phù hợp với đa số mọi người nhất. Hầu hết mọi người khi bắt đầu làm web hay bắt đầu một dự án đều có thể đăng ký và dùng share hosting. Mình chỉ nói là hầu hết nhé … vì có một số dự án đặc biệt thì share hosting không phải là một lựa chọn tối ưu.

   Với gói share hosting công ty cung cấp hosting sẽ có những máy chủ (server)… họ chia máy chủ ra từng gói nhỏ và cung cấp cho bạn. Nhiều website sẽ dùng chung một máy chủ, chi phí sẽ được chia đều cho mọi người nên giá thành của share hosting sẽ là dễ chịu nhất.

   Giải thích nôm na cho các bạn dễ hiểu như mình có 1 căn nhà với 5 phòng trống. Thay vì cho thuê toàn bộ căn nhà với giá đắt đỏ và khó tìm được người thuê thì mình sẽ cho thuê từng phòng riêng lẻ… sẽ có nhiều khách hàng độc thân tìm thuê hơn… mọi người cùng chịu chung chi phí thuê căn nhà nên chi phí sẽ được giảm xuống.

Ưu điểm của Share Hosting

   Giá thành dễ chịu là ưu điểm lớn nhất khi dùng share hosting… và phù hợp với hầu hết mọi người khi bắt đầu làm web hay viết blog. Bạn không cần phải lo lắng quá nhiều về chi phí đắt đỏ để duy trì host cho đến khi website bạn đủ lớn để sinh ra lợi nhận.

   Bên cạnh giá thành thì hỗ trợ về kỹ thuật từ công ty cung cấp hosting sẽ là nhiều nhất. Gần như bạn không cần phải biết quá nhiều về kỹ thuật cũng như kiến thức chuyên sâu để có thể cấu hình domain và hosting giúp đưa website của bạn online.

Khuyết điểm của Share Hosting

   Việc dùng share hosting cũng tương tự như việc bạn đi thuê phòng bên ngoài … bạn buộc phải dùng chung phòng tắm, phòng ăn… bất tiện và rủi ro như bị hack “mất đồ”. Mọi thứ bạn phải chia sẻ với những website khác có cùng máy chủ nên việc nghẽn băng thông làm chậm website, khả năng bị hack cao hơn… Nói chung là tiết kiệm thì đi kèm với bất tiện.

Bạn có nên dùng Share Hosting để bắt đầu viết blog?

   Share Hosting là lựa chọn phù hợp nhất cho những bạn mới tập làm web, blog khi bạn chưa có nhiều đọc giả hay khách truy cập vừa tiết kiệm các chi phí không cần thiết, vừa đỡ nhức đầu với các thông số kỹ thuật mà có thể dành thời gian tập trung cho blog của bạn.

Khi nào bạn nên nâng cấp lên gói hosting cao hơn share hosting ?

   Thật ra không có công thức chung cho việc này vì tùy thuộc cụ thể vào cấu hình từng gói share hosting của từng công ty cung cấp dịch vụ. Nếu lượng khách truy cập của bạn dao động từ 1-20,000 trang một tháng là ok. Còn một cách dễ hơn nữa là nếu website của bạn phình to quá hay có quá nhiều lượt khách truy cập (không phải bị DDos nhe) bên công ty cung cấp hosting sẽ tự động liên hệ với bạn để yêu cầu bạn nâng cấp lên gọi hosting cao hơn để tránh nghẽn máy chủ của họ… không thì sẽ bị cắt phải đi kiếm công ty khác.

VPS Hosting

2. Virtual Private Server (VPS) Hosting

   Virtual Private Server Hosting hay gọi tắt là VPS tiếng Việt dịch là Máy Chủ Ảo. Đây là một gói hosting cao hơn share hosting… tuy nhiên bạn vẫn dùng chung một máy chủ thật với 1 hay vài website khác. Công ty cung cấp dịch vụ hosting sẽ chia máy chủ của họ thành nhiều máy chủ ảo với cấu hình riêng rồi bán lại cho bạn. Ví dụ mình có 1 máy chủ với cấu hình là 32GB RAM, 512GB SSD… mình sẽ chia nhỏ ra thành nhiều máy chủ ảo nhỏ hơn với cấu hình 4GB RAM và 40GB SSD bán lại cho bạn…

   Giải thích nôm na cho các bạn dễ hiểu như mình có 1 căn nhà với 4 phòng ngủ và 2 phòng tắm mình sẻ remodel lại thành 2 căn riêng biệt và cho 2 hộ gia đình thuê lại mỗi hộ 2 phòng ngủ và 1 phòng tắm, có lối đi riêng 2 bên. Khả năng bị “hack đồ” cũng như sự riêng tư cao hơn.

   Với kiểu hosting này đại khái là website hay blog của bạn sẽ load nhanh hơn vì chỉ phải chia sẻ tài nguyên với ít website hơn và an toàn hơn. Tuy nghiên cấu hình VPS cũng đòi hỏi thêm một chút kiến thức kỹ thuật cao hơn nên không phù hợp lắm với những bạn mới tập làm web.

Ưu điểm của VPS Hosting

Ưu điểm lớn nhất của VPS Hosting chính là tốc độ, bảo mật cao hơn share hosting vì bạn ít phải chia sẽ tài quyên hơn với những website khác. Tài nguyên của bạn được quy định rõ ràng hơn… nếu những website khác cùng máy chủ có lượng truy cập tăng bất thường cũng không ảnh hưởng lắm đến bạn.

Khuyết điểm của VPS Hosting

   Về cơ bản VPS Hosting chỉ là hình thức cao hơn Share Hosting nên bạn vẫn phải chia sẽ tài nguyên với một vài website khác khả năng bị “hack” vẫn còn đó, vẫn không thoải mái lắm. Thứ 2 nữa là về vấn đề kỹ thuật bạn phải tự cấu hình một số thứ rắc rối hơn Share Hosting nên khả năng cao rất dễ gây rối cho những bạn mới học làm web.

Có nên chọn VPS Hosting để bắt đầu website/blog?

   Như đã đề cập ở trên VPS Hosting không phù hợp lắm với những bạn mới tập làm web/blog (newbie blogger)… Chỉ nên dùng VPS Hosting khi bạn đã có sẵn một lượng tương đối lớn khách truy cập từ 10,000 đến 100,000 lượt truy cập trang một tháng. Cũng nhưng có một số kiến thức kỹ thuật cơ bản để có thể cấu hình VPS cho website của mình.

Dedicated Server Hosting

3. Dedicated Server Hosting (Server)

   Dedicated Server Hosting là loại hình hosting có đắt đỏ nhất so với các loại hosting khác. Việt Nam mình hay gọi là thuê server hay thuê máy chủ.

   Với Dedicated Server Hosting bạn gần như có toàn quyền quyết định sử dụng với máy chủ của mình từ cài đặt cấu hình thêm nhiều dịch vụ cũng như đòi hỏi một lượng kiến thức kỹ thuật tương đối để có thể làm chủ mọi thứ.

   Đối với những bạn blogger thì việc phải bỏ tiền thuê server là mơ ước vì xin chúc mừng bạn hiện có một blog quá thành công với hàng trăm ngàn hay thậm chí hàng triệu lượt truy cập mỗi tháng… 😎

   Nói nôm na cho dễ hiểu việc đi thuê server tương tự như việc bạn thuê toàn bộ một căn nhà có thể là biệt thự có riêng bạn … không đụng chạm gì với ai. Hoàn toàn riêng tư hoàng toàn tự do trong việc sắp xếp nội thất cũng như trang trí.

Ưu đểm của Dedicated Server Hosting

   Ưu điểm rõ ràng của Dedicated Server Hosting là tốc độ và bảo mật… bạn không phải chia sẻ tài nguyên hệ thống với bất kỳ một website nào khác nên tốc độ toẹt vời. Và vì không phải chia sẻ với ai nên nếu biết cấu hình bảo mật tốt khả năng bị hack của bạn sẽ là rất thấp. Nói chung có tiền thuê server thì ngon quá rồi.

Khuyết điểm của Dedicated Server Hosting

   Giá thành đắt đỏ là một trong những rào cản lớn nhất để tiếp cận Dedicated Server Hosting… Nếu website của bạn không thể tạo ra một nguồn thu nhập ổn định thì khả năng cao khó mà duy trì. Bên cạnh đó vấn đề về kiến thức kỹ thuật cũng là một rào cản không nhỏ, tuy nhân viên support của công ty cung cấp host sẽ hỗ trợ tối đa cho bạn nhưng bạn vẫn phải là người chủ động cấu hình mọi thứ.

Có nên chọn nâng cấp Dedicated Server Hosting cho website/blog của bạn?

   Trừ khi nhà bạn “không có gì ngoài điều kiện” hoặc website của bạn đủ lớn để tạo ra một nguồn thu nhập ổn định để có thuể duy trì chi phí đắt đỏ khi thuê server thì… thì câu trả lời của mình là hãy khoan… Chưa kể nếu website của bạn đã phát triển đến mức này thì nên có một team vài người cùng làm.

   Dùng đồ xịn thì ai chả muốn nhưng tiền không có thì cũng chịu… mình cũng muốn thuê server dùng lắm mà hông 😔 có “xiền”. Thật ra với thu nhập hiện tại của mình thì việc thuê server $100-$200/mo không phải là vấn đề lớn, chỉ có điều thấy dùng không hết phí phạm quá nên thôi…

Cloud Web Hosting

4. Cloud Web Hosting (hay còn gọi là Cloud Hosting)

   Tên đầy đủ là Cloud Web Hosting nhưng trong bài viết này mình sẽ gọi là Cloud Hosting cho ngắn gọn… Khi nói đến Cloud Hosting sẽ có nhiều bạn lầm tưởng là đang để cập đến các dịch vụ lưu trữ trên cloud như Google Drive, OneDrive, Dropbox… nhưng thực sự không phải vậy.

   Dịch vụ Cloud Web Hosting cũng mới xuất hiện sau này thôi… ngày xưa chỉ có 3 kiểu hosting mình nếu ở trên.

   Với Cloud Hosting mọi dữ liệu của bạn đều được lưu trữ trên “đám mây”, giải thích đại khái là dữ liệu của website của bạn sẽ được phân tán trên nhiều máy chủ trên khắp thế giới chứ không phải một máy chủ cố định.

   Vì phân tán trên nhiều máy chủ khác nhau và không bị lệ thuộc vào 1 máy chủ nhất định nên website của bạn sẽ có độ UpTime rất cao 99.9999% nếu không muốn nói là gần như 100%. Sẽ không co chuyện một máy chủ nào nó đi down hay bị hack ảnh hưởng đến website của bạn.

Ưu điểm của Cloud Hosting

   Ưu điểm chính của cloud hosting chính là sử uyển chuyển trong cấu hình… bạn có thể thay đổi bộ nhớ, dung lượng RAM, số nhân CPU… bất cứ lúc nào. Miễn là chịu chi 😎. Về chi phí thì do cấu hình của Cloud Hosting rất là uyển chuyển có thể tùy biến nên chi phí cũng vì thế mà thay đổi theo, có thể rất rẻ thậm chí rẻ hơn share hosting nhưng cũng có thể mắc hơn cả thuê server.

Khuyết điểm của Cloud Hosting

   Với nhiều ưu điểm như vậy thì khuyết điểm của cloud hosting là gì? Mình đọc khá nhiều bài so sánh giữa Dedicated Server Hosting vs Cloud Web Hosting trên Quora cũng như cái diễn đàn về hosting thì mỗi người một ý kiến có người thích Dedicated Server Hosting hơn nhưng cũng có người chuộng Cloud Web Hosting hơn… Nhưng theo mình thì nếu chỉ so sánh về mặt kỹ thuật thì xét về tốc độ, độ ổn định, uptime, bảo mật… cả 2 tương tự nhau nhưng Cloud hosting sẽ nhỉn hơn một chút.

   Về giá cả thì nếu muốn ổn định về chi phí thì Dedicated Server Hosting sẽ tốt hơn nhưng nếu muốn uyển chuyển về chi phí thì Cloud Web Hosting sẽ tốt hơn… Tuy nhiên chính vì sự uyển chuyển này sẽ có thể khiến bạn bị “đau tim”. Đã có vài trường hợp báo chí liệt kê khách hàng thuê dịch vụ cloud hosting xong bị hacker chiếm quyền dùng để đào tiền ảo và phải nhận bill thanh toán đến vài chục ngàn USD?

Cloud Hosting có phù hợp cho website của bạn?

   Cloud hosting là lựa chọn tuyệt vời nhưng không phải là tối ưu cho tất cả các loại website… Vì sao?

   Hiện tại không phải nhà cung cấp dịch vụ hosting nào cũng cung cấp cloud hosting… cấu hình cloud hosting dễ hay khó tùy thuộc vào từng nhà cung cấp… có khi rất dễ nhưng cũng có khi rắc rối lắm. Nếu bạn đã có kinh nghiệm cấu hình các loại web hosting thì không thành vấn đề nhưng nếu là newbie thì nên bắt đầu với share hosting sẽ tốt hơn vì website/blog của bạn chưa thật sự tận dụng được những ưu thế của cloud hosting…

   Cloud hosting là lựa chọn tuyệt với cho những website về sự kiện nhiều hơn ví dụ bạn làm website giới thiệu cho ra mắt một bộ phim, một sự kiến âm nhạc hay đại loại vậy… bạn chưa thể lường trước được số lượt truy cập thì với khả năng tùy biến cao và uyển chuyển cloud hosting sẽ là lựa chọn tối ưu hơn cho share hosting và tiết kiệm hơn so với thuê server.

WordPress Hosting

5. Managed WordPress Hosting

   Managed WordPress Hosting về cơ bản là một loại hosting được thiết kế tối ưu hóa nhất có thể cho WordPress… Bên công ty cung cấp Managed WordPress Hosting sẽ chịu phần lớn về cấu hình kỹ thuật từ cài đặt sắn WordPress, tự động sao lưu mỗi ngày, nâng cấp tự động lên phiên bản WordPress mới nhất… nói chung là bạn không cần phải biết nhiều về các vấn đề kỹ thuật hosting và domain mà chỉ cần tập trung vào WordPress.

   Một số dịch vụ cung cấp Managed WordPress Hosting còn có sẵn một thư viện các plugin, premium themes của WordPress hoàn toàn miễn phí đi kèm với chuyên viên hộ trợ có kinh nghiệm về WordPress tư vấn cho bạn. Hỗ trợ tận răng mọi thứ có liên quan đến WordPress.

   Managed WordPress Hosting có thể là bất cứ loại hosting nào mình đã đề cập trên từ share hosting, VPS, server or cloud… thế nên giá cả của loại hosting này cũng thiên biến vạn hóa theo… tuy theo mức độ hộ trợ của công ty cung cấp. Bằng chứng là gói WordPress hosting Basic của Bluehost chỉ có giá $2.95/mo trong khi đó gói WordPress hosting Performance của Pagely rẻ nhất sương sương có $499/mo. 😬

Ưu điểm của Managed WordPress Hosting

   Tối ưu hóa cực tốt cho WordPress, đầy đủ thư viện hỗ trợ, nhân viên support chuyên về WordPress… Đơn giản, dễ dùng, giao diện thân thiện với người mới tập làm quen với WordPress. Nói chung là nếu bạn nào mới dùng WordPress thì đây là lựa chọn hoàn hảo.

Khuyết điểm của Managed WordPress Hosting

   Ưu điểm cũng là khuyết điểm của Managed WordPress Hosting… chỉ tối ưu hóa và hỗ trợ cho WordPress.

   Lệ thuộc quá nhiều vào công ty cung cấp dịch vụ… nếu mọi chuyện êm đẹp thì không sao còn mà có chuyện xảy ra thì khi bạn muốn chuyển sang nhà cung cấp dịch vụ hosting khác thì sẽ khá rối rắm cho bạn.

   Giá cả của Managed WordPress Hosting cũng là một vấn đề cần được cân nhắc… đa số cái gói Managed WordPress Hosting thường sẽ mắc hơn Share Hosting một chút… và giá cả giữa những nhà cung cấp dịch vụ Managed WordPress Hosting cũng khác nhau.

   Và còn một vấn đề nữa với Managed WordPress Hosting đó chính là do để đảm bảo độ ổn định và tối ưu cho gói hosting… một số nhà cung cấp dịch vụ sẽ giới hạn số plugin bạn có thể được cài đặt? Nên hỏi kỹ nhân viên sale của công ty cung cấp dịch vụ trước khi mua.

Có nên đăng ký sử dụng Managed WordPress Hosting?

   Câu trả lời tùy thuộc vào bạn là ai? Nếu bạn là phóng viên, nhà báo, tiểu thuyết gia, thánh chém gió, anh hùng bàn phím… 😂 chỉ muốn tập trung vào việc phát triển nội dung mà không muốn rắc rối về mặt kỹ thuật thì Managed WordPress Hosting là lựa chọn “toẹt vời” cho bạn.

   Nếu bạn là dân IT thích tìm hiểu vọc vạch các thứ và có mục tiêu phát triển lâu dài thì Managed WordPress Hosting không phải là lựa chọn tối ưu… càng dùng lâu ngày bạn sẽ thấy Managed WordPress Hosting gò bó tù túng…

Web Hosting Service

Bên cạnh 5 loại hosting kể trên còn có một số loại hosting ít phố biến hơn hoặc chỉ là biến thể như:

Reseller Hosting: tương tự như VPS hay server bạn thuê xong chia nhỏ ra từng gói nhỏ hơn để bán lại như share hosting.

WooCommerce Hosting: về cơ bản chính là Managed WordPress Hosting nhưng tối ưu hơn cho việc làm shop và hỗ trợ các dịch vụ cũng như công cụ bán hàng onhline.

Loại hosting nào phụ hợp cho website/blog của bạn?

  • Shared Hosting: phụ hợp với những bạn mới bắt đầu, dự án mới, nhỏ, đơn giản không đòi hỏi nhiều tài nguyên. Website có lượt truy cập dưới 20,000 lượt truy cập mỗi tháng.
  • Virtual Private Server (VPS): phù hợp với những website đã có thời gian hoạt động (tương đối) đã đi vào ổn định và muốn mở rộng cũng như tăng thêm bảo mật. Website có lượt truy cập từ 10,000 đến 100,000 lượt truy cập mỗi tháng.
  • Dedicated Server Hosting: phụ hợp với những website có lượng truy cập lớn trên 100,000 lượt truy cập trở lên hoặc như website có nguồn thu nhập ổn định để duy trì chi phí server.
  • Cloud Hosting: phụ hợp cho những website có lượng truy cập trồi sụt thất thường như tổ chức sự kiện, các giải đấu, các shop online vào mùa sale… Tuy nhiên không giới hạn… bạn vẫn có thể sử dụng cloud hosting để làm blog cá nhân nhưng sẽ không tận dụng hết ưu điểm của cloud hosting.
  • Managed WordPress Hosting: phụ hợp cho những website chỉ dùng WordPress (kể cả shop)… hoàn hảo cho những blogger mới làm quen với WordPress không muốn nhức đầu quản lý hosting.

   Hi vọng bài viết này sẽ giúp những bạn có ý định làm blogger hay tập làm web sẽ có cái nhìn tổng quan về các loại web hosting để lựa chọn cho mình một loại web hosting phù hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *