Nhà báo danh tiếng David Pogue tổng kết lại những bài học mà ông đúc kết được trong 10 năm viết cho chuyên mục công nghệ của tạp chí New York Times.
Cách đây 10 năm, khi tôi viết những bài báo đầu tiên, công nghệ tiêu dùng không có nhiều thứ để khám phá. Hãy tưởng tượng một thế giới không HDTV, Blu-ray, GPS, Wi-Fi, Gmail, YouTube, iPhone, iPod, Kindle, Xbox, Wii, Facebook, Twitter, Android, kho nhạc trực tuyến, xem phim online…
Không có sự thay thế trong công nghệ
Có lẽ bạn đã bắt đầu phát chán khi nghe những cụm từ “iPhone killer” (“Sát thủ của iPhone” hay “Kindle killer” (sát thủ của Kindle). Sản phẩm điện tử tiêu dùng phát triển như các nhánh cây, chứ không thay thế nhau. TV được cho là sẽ giết chết radio, DVD kìm hãm sự phát triển của rạp chiếu phim. Cafe tan thay thế cafe phin. Nhưng hãy nhìn xem, điều đó chưa bao giờ xảy ra. Điện thoại iPhone và Android sẽ song song tồn tại. Sẽ có sách in và sách điện tử. Chúng chỉ bổ sung cho nhau chứ không khai trừ nhau.
Công nghệ phát triển theo nhu cầu
Chỉ trong 10 năm, con người đã chứng kiến sự chuyển đổi từ việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trên giấy và băng từ sang công nghệ kỹ thuật số, từ nhạc, chương trình TV, phim ảnh đến báo chí. Bởi mọi người muốn thông tin “tức thì” và “dễ dàng”. Con cháu chúng ta sẽ thấy thật buồn cười khi chỉ cách đây vài năm, nếu muốn xem phim ở nhà, chúng ta phải lái xe đến cửa hàng thuê đĩa rồi sau đó đem trả lại.
Thiết bị thể hiện cái tôi
Làm báo công nghệ giống như đang đứng trên sân khấu. Bạn sẽ nhận được vô số phản hồi trái chiều từ khán giả, trong đó có nhiều nhận xét quá khích. Tôi đã “hứng chịu” đủ mọi cấp độ cảm xúc của độc giả. Năm 2006, sau khi viết bài chê một sản phẩm của Microsoft, tôi đã nhận được e-mail với nội dung: “Ông nên bị sa thải vì viết như thế trên một tờ báo có tiếng. Nếu nghĩ tôi làm việc cho Microsoft hay gì khác, thì ông nên biết tôi mới 15 tuổi”. Tôi nhận ra công nghệ ngày nay đã được cá nhân hóa. Chiếc điện thoại, camera hay máy nghe nhạc mà bạn chọn như truyền đi thông điệp về phong cách và cá tính của bạn. Do đó, một số người diễn giải những chỉ trích về sản phẩm đó chính là chỉ trích sự lựa chọn của họ. Nói rộng ra, tác giả đang chỉ trích họ.
Người dùng nhìn đời qua lăng kính cá nhân
Cảm xúc là thứ đang phát triển mạnh mẽ trong thế giới công nghệ. Hãy thử nhắc tới “Apple”, “Microsoft”, “Google” trong câu xem, bạn sẽ tạo ra một cuộc tranh cãi chứa đầy cảm xúc cá nhân.
Khi đánh giá về iPad, tôi đã viết 2 đoạn riêng biệt với độ dài bằng nhau. Một đoạn phản ánh cái nhìn tiêu cực, một đoạn đầy tích cực rồi trộn chúng vào trong cùng một bài. Sau đó, trong blog và e-mail, tôi nhận được các bình luận của những độc giả không ưa Apple mỉa mai về tình yêu tôi dành cho iPad, còn các “fan cuồng” thì lại tức giận vì tôi chê bai máy tính bảng này. Cả hai bên hoàn toàn “quên” mất nửa còn lại của bài viết.
Có những khái niệm không bao giờ thành hiện thực
Ý tưởng “đột phá” xuất hiện hàng năm, nhưng không phải ý tưởng được đánh giá cao nào cũng thành công trong thực tế. Chẳng mấy ai thích điện thoại video. Khi nói chuyện điện thoại, bạn không muốn người kia quan sát bạn. Bởi bạn muốn vừa nói chuyện vừa dọn dẹp bát đĩa, ngó nghiêng quanh phòng hay… ngoáy mũi. Còn nếu cần ngắm em bé mới sinh từ xa, bạn có thể sử dụng các ứng dụng Skype hay FaceTime. Nhưng đó không phải nhu cầu hàng ngày. Ngoài ra, giới trẻ sẽ không muốn điện thoại chỉ có mỗi chức năng nhắn tin như Sony Mylo hay Motorola, và nhiều người chắc cũng không thích duyệt web trên màn hình TV.
Không có gì kéo dài mãi
Trong số hàng nghìn sản phẩm tôi từng viết bài 10 năm qua, chỉ còn vài sản phẩm vẫn được đánh giá cao trên thị trường như iPod, BlackBerry, Internet Explorer… Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với hàng triệu USD mà người tiêu dùng đã dành cho những thiết bị hiện đã trở thành dĩ vãng như Olympus M-Robe, PocketPC, Smart Display, MicroMV, MSN Explorer, Aibo…
Đó là con đường phát triển của công nghệ. Hãy chấp nhận thiết bị sẽ lỗi thời ngay lúc bạn mua để không cảm thấy mất mát khi nó bị ngừng sản xuất vào năm sau. Bạn cũng nên để ý đến một số quy luật ra mắt sản phẩm như camera thường xuất hiện vào tháng 9 và tháng 2, iPod trình làng trong tháng 9 hàng năm còn iPhone thế hệ mới được bán ra trong tháng 7…
Đừng chạy theo công nghệ
Vì bạn sẽ không bao giờ chiến thắng. Nhiều người phàn nàn mọi thứ diễn ra quá nhanh khiến họ không thể bắt kịp xu hướng, lúng túng không biết mua gì và lúc nào cũng có cảm giác bị tụt lại phía sau.
Tôi cũng vậy thôi. Tôi cũng bị quá tải. Tôi phải tìm kiếm trên vô số blog, website, đọc từng trang báo, tạp chí, tham gia họp báo và tiếp các nhân viên PR… Đôi khi tôi cảm thấy mình đang lướt ván trong cơn sóng thần.
Bởi vậy, nếu cảm thấy ngộp thở giữa những sản phẩm công nghệ thì hãy tin rằng không chỉ có mình bạn đâu”.